Vườn Quốc Gia Tà Đùng Xã Đắk Som, Huyện Đăk Glong, Tỉnh Đắk Nông

Facebook
Twitter
Print

Vườn quốc gia Tà Đùng được hình thành trên cơ sở chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng theo Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 của Thủ Tướng Chính phủ. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 20.000ha..

Vườn Quốc Gia Tà Đùng

Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trong khu vực Tây Nguyên, là nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có của vùng Cao nguyên. Có giá trị đa dạng sinh học cao với 1.406 loài thực vật bậc cao trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ trong đó có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 37 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN và 3 loài thú đặc hữu cho Việt Nam.

Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.”

Vườn quốc gia Tà Đùng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho khách du lịch, đặc biệt là những vị khách yêu thiên nhiên. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như: Thác Granite (Là một trong những điểm thuộc Di sản công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông); thác mặt trời, suối Đắk Rteng, Đắk Plao…

Những du khách yêu thiên nhiên, ưa mạo hiểm có thể chinh phục đỉnh Tà Đùng – điểm cao nhất trong dãy núi thuộc Vườn quốc gia Tà Đùng, độ cao 1.982m so với mực nước biển với đặc trưng là nơi phân bố của loài Chè cổ thụ.

Vùng đệm Vườn quốc gia còn là nơi sinh sống của gần 40 dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng còn lưu giữ như các Nghề thủ công truyền thống (Dệt thổ cẩm, Đan lát); Các nghi lễ nông nghiệp đặc trưng (Cúng phát rẫy, cúng đốt rẫy, cúng lúa trổ đòng, cúng sắp gieo lúa, cúng lúa về nhà…), trong đó thuật cồng chiêng đã được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Các món ăn đặc sản truyền thống (Canh thục, lá nhíp, lá bứa, đọt mây…).

Bên cạnh đó các dân tộc di cư phía Bắc vào cũng mang theo nhiều nét văn hóa độc đáo (Thổi khèn; trang phục truyền thống của người Mông; các món ăn thắng cố, gà Mông…), vì vậy có thể nói đến với Tà Đùng du khách có thể bắt gặp một “Tây Bắc” trong lòng “Tây Nguyên”.

Đánh giá bài viết này